top of page
Search
kyunpin

Người không chết

Câu chuyện về tinh thần tu tập mạnh mẽ của sư cô Hiệp Liên

Sư cô đã ra đi nhưng câu chuyện về cô vẫn tiếp tục truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh cho nhiều người, nhiều thiền sinh trên con đường đi theo bước chân Phật. Tôi là một trong những người như vậy.

Ngài thiền sư Kyunpin (U Jatila) thường nói khi hành thiền Vipassana, thiền sinh cần phải có quyết tâm mạnh mẽ.


Đối với tôi, sư cô Hiệp Liên (Gunacārī) là một tấm gương về lòng quyết tâm. Sư cô thực sự là một anh hùng.

Vào khoảng giữa năm 2019, khi còn hành thiền ở Thiền viện Kyunpin, Myanmar, thỉnh thoảng trên đường từ nhà ăn về, tôi thấy sư cô dừng lại, ôm bụng, gập người xuống. Có vẻ như cô đau quá không đi được.


Sau này, khi đọc tiểu sử của cô do sư cô Liên Hạnh viết (để tại lễ tang), tôi mới biết cô đã bị khối u trong dạ dày từ năm 2003.

Năm 2013, khối u đã di căn, nhưng sau đó sư cô uống thuốc và u chuyển thành lành tính.

Từ năm 2014, cô đã qua Thiền viện Kyunpin nhiều lần để hành thiền Vipassana (Minh Sát hay Tứ Niệm Xứ). Nhiều lần bệnh nặng nhưng sư cô vẫn nỗ lực hành thiền.


Sư cô Đức Minh, người đã nhiều lần dịch cho sư cô Hiệp Liên khi trình bày kinh nghiệm thiền với thiền sư, cho biết lần cuối sư cô Hiệp Liên đến thiền viện là tháng 2/2018.

Khi đó bệnh sư cô đã nặng trở lại nhưng sư cô đã “quyết tâm sẵn sàng chết tại trường thiền, thậm chí mẹ có mất cũng không về.”

Bệnh đau khiến nhiều bữa cô không ăn được. Có lúc đau quá cô không ngồi được nữa mà phải nằm trên sàn thiền đường.


“Mặc dù đau nhưng tinh thần cô vẫn mạnh mẽ,” sư cô Đức Minh nói. “Nhưng có những lúc tâm yếu đuối, muốn bỏ thiền, về nước; thậm chí có lúc đã đặt vé rồi nhưng lại hủy.”

Đến tháng 7/2019, do bệnh nặng quá nên cô phải về

Việt Nam để trị bệnh.



Sư cô Tuệ Liên, bạn cùng tu thiền Vipassana, cũng là người chăm sóc cho cô trong những ngày cuối đời cho biết khi sư cô về tới Bệnh Viện Đại Học Y Dược, thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra thì cơ thể chỉ còn 30% máu và trong những ngày cuối cùng chỉ còn 6% máu.

“Mặc dù đau quằn quoại nhưng khi ngồi thiền sư cô vẫn ngồi một tiếng,” sư cô Tuệ Liên cho biết. “Cô vẫn giữ được vẻ bề ngoài tươi tắn và khi mọi người tới thăm cô vẫn bình thản.”

“Nếu không tu tập tinh tấn thì chắc là thê thảm lắm,” sư cô Tuệ Liên nói tiếp.


Khoảng ba tuần trước khi mất sư cô đã gọi điện sang Myanmar xin nói chuyện với ngài thiền sư. Sau khi được ngài động viên, chỉ dẫn cô rất vui. “Nghe giọng cô rất vui. Đức Minh không thể nghĩ làm sao mà cô lại có thể vui như vậy,” sư cô Đức Minh, người phiên dịch cho cuộc nói chuyện qua điện thoại cho biết. “Tinh thần cô rất mạnh mẽ. Cô sẵn sàng đón nhận cái chết.”

Ngài thiền sư Kyunpin nói sau nhiều cố gắng, cuối cùng thiền tập c ủa cô đã tiến bộ.

Sư cô Tuệ Liên cho biết ngay trước khi mất, sư cô đã mở mắt nhìn hình Phật rồi hướng tâm đến ngài thiền sư, nhớ tới các việc thiện lành đã làm sau đó sư cô Tuệ Liên rải tâm từ, chia phước. Được nửa bài thì sư cô Hiệp Liên ra đi. “Khi sư cô mở mắt ra nhìn Phật, trông cô thật an lành.”


“Trước đó thì sư cô đau rất quằn quại nhưng khi sư cô ra đi thì rất an lành, mát mẻ. Mọi người đến viếng thấy cô nằm bình thường như đang ngủ,” sư cô Tuệ Liên nói.

Sư cô Tuệ Liên cho biết tinh thần của sư cô Hiệp Liên trong những giờ phút cuối cùng đã làm cho mọi người tin tưởng mạnh mẽ hơn vào pháp thiền Vipassana nói chung và tin tưởng vào ngài thiền sư Kyunpin nói riêng.


Sư cô Hiệp Liên sinh năm 1967 tại An Giang. Năm 1982, sư cô xuất gia và 10 năm sau cô thọ giới tỳ kheo ni. Cô tu tại Tịnh xá Ngọc Tuệ, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Cô ra đi 3h30 sáng ngày 10/10/2019.

Kinh Pháp Cú nói rằng:

“Những người không xao lãng không chết,

những người nào xao lãng giống như đã chết”

Vì vậy tôi mạo muội dùng câu bất tử để chỉ cái tinh thần mạnh mẽ, tích cực hành thiền Vipassana, quan sát thân-tâm của cô.

Đối với tôi, sư cô Hiệp Liên vẫn còn đó và tỏa sáng.


Lê Đức Tân

21/11/2019

Hình ảnh do sư cô Tuệ Liên cung cấp.

45 views0 comments

Recent Posts

See All

Comentários


bottom of page